Có bao giờ bạn tự hỏi tại sao mình hay quên kiến thức hay không? Mình đọc nhiều, học nhiều nhưng cuối cùng thì mình cũng không nhớ được bao nhiêu, chưa kể những nhiều thứ mình cũng chưa hiểu chứ chưa nói đến chuyện nhớ và áp dụng. Có nhiều kỹ năng học tập mà bạn có thể cải thiện, nhưng trong bài này thì mình muốn chia sẻ với bạn kỹ năng tổ chức thông tin, giúp bạn dễ nhớ và dễ áp dụng kiến thức của mình hơn. Dễ nhớ ở đây là dễ dàng lấy thông tin từ một chủ đề ra chứ không phải thuộc lòng mọi thứ trong đầu. Khi một thông tin hay kỹ năng là rất quan trọng với bạn, bạn luyện tập và sử dụng nó thường xuyên thì bạn sẽ tự ghi nhớ mà thôi.
Để Tiến Thêm Một Bước
Học là qua trình bước đi trên con đường lĩnh hội tri thức của bản thân, là tiến một bước từ vị trí hiện tại. Vậy nên để tiến bước mình phải biết mình đang ở đâu, tức là mình đã biết gì, có gì, hay chưa có gì trước đã. Nếu còn thiếu thì mình dừng lại một chút để bồi đắp thêm, nếu thấy đã biết đủ thì hãy tiến bước tiếp theo. Thế hiện tại mình đang ở đâu? Mình đã biết gì về vấn đề đó? Mở tài liệu ghi chép (hay note trên máy tính) của bạn ra nhé. À mà nếu bạn không có ghi chép gì ý, thì hãy tưởng tượng như này. Bạn đang ở giữa thành phố tri thức rộng lớn, những tòa nhà thông tin và tri thức được xây lên hàng giờ và luôn thay đổi, bạn muốn học thêm cái mới nên phải đi đến những nơi xa lạ và vấn đề là bạn search google map mà không bật định vị, sơ qua thì con phố này cũng cắt với hàng chục con phố khác, trong hệ thống cả trăm ngàn con phố. Đi đâu đây? Đi thằng, rẽ trái hay rẽ phải. Tôi là ai mà đây là đâu? Biết nơi cần đến nhưng đi thế nào đây?
Keyword ở đây là định vị bản thân, mình ở đâu ư? Mở sổ ra ý, xem mình đã từng học gì, đang học gì, cái gì còn dang dở ý, cái gì không hiểu thì nghiên cứu lại, mà review lại thấy ổn rồi thì học tiếp những cái mới. Kiến thức cần được bồi đắp và trau dồi như thế đó. Còn ai mà nghiên cứu không ghi chép, không tổng hợp và lưu lại ở đâu đó, thì cho mình xin kinh nghiệm và góc nhìn nhe.
Note Sao Cho Đúng?
Hi vọng sự kì diệu của cuốn sổ tay đã thuyết phục được bạn là cũng nên có một (hoặc nhiều) cuốn rồi chứ. Bây giờ thì nói về chuyện note như nào cho hiệu quả nhé. Sổ tay là nơi neo giữ kiến thức, kinh nghiệm của bản thân, và sổ tay phát huy tác dụng lớn nhất khi mình lật mở và xem lại nó. Mà nếu xem lại một cuốn sổ toàn chữ, rối mù, chữ nguệch ngoạc thì còn kinh khủng hơn đọc lại sách nữa, ít ra sách họ in còn đẹp, lại nhiều hình mình họa. Vậy nên sổ tay nhất định phải có đủ các tiêu chí sau:
- Xem lại một cách nhanh chóng
- Hiểu ngay vấn đề
- Dễ dàng bổ sung/ chỉnh sửa
Vậy nên:
- Mỗi phần kiến thức đều có 1 chủ đề chính, được viết to nhất, rõ nhất, ở nơi dễ nhìn nhất (nhiều màu nhất cũng được)
- Các ý chính cũng cần được highlight một cách thống nhất.
- Hình vẽ được khuyến khích, có màu sắc thì càng tuyệt vời. Nhiều người chỉ trích sự tốn công tốn sức tốn thời gian của việc vẽ vời nhưng với mình vẽ hình minh họa đặc biệt hữu dụng, vì nó thể hiện khả năng tổng hợp thông tin, hiểu vấn đề của bản thân, từ đó truyền cảm hứng vào những hình vẽ mô tả (đôi khi có chút nguệch ngoạc nhưng không sao vì đây không phải là tác phẩm nghệ thuật gì cả)
- Mỗi cuốn sổ nên về một chủ đề nhất định. Ví dụ như mình có cuốn sổ "Financial Book" chỉ lưu trữ các kiến thức về tài chính - kinh doanh, mỗi khi học về chủ đề này, mình chỉ note vào quyển này. Xem lại hay học tiếp đều ở một nơi, bồi đắp liên tục và đều đặn.
Sổ tay điện tử (digital notebook)
Hiện nay hầu hết mọi người đều có thiết bị thông minh cá nhân, việc ghi chú trên máy tính hay máy tính bảng khá phổ biến, so với sổ tay giấy thì cũng có nhiều điểm lợi hay ho. Bên dưới mình sẽ so sánh 3 hình thức ghi chú: viết vào sổ tay giấy, ghi chú kiểu gõ chữ, và viết lên máy tính bảng bằng bút điện tử.
Đặc điểm | Sổ tay giấy | Ghi chú kiểu gõ chữ | Viết lên máy tính bảng |
---|---|---|---|
Chữ viết | Vẽ dễ dàng, để đẹp và màu sắc hơn thì cũng tốn công chuẩn bị nhiều loại bút. | Khá khó vẽ, lấy hình ảnh sẵn có thì dễ hơn, nhưng không phải lúc nào cũng tìm được hình đúng ý. | Giống sổ tay nhưng tiện hơn vì có thể chọn đủ loại màu và cỡ ngòi, tha hồ vẽ vời. Bút chất lượng kém thì sẽ khó viết và vẽ hơn. |
Bồi đắp kiến thức | Khó bổ sung vào kiến thức cũ vì ghi chú trên giấy là mọi thứ đã cố định, thường phải bổ sung vào trang mới chứ không trực tiếp bồi đắp, chỉnh sửa (khá bẩn) lên phần cũ | Quá dễ rồi. | Cũng dễ luôn. |
Tiện lợi | Nếu ghi chú từ sách, học trên trường hay hội thảo thì sổ tay khá tiện, nhỏ gọn và ghi chú nhanh chóng. Tổ chức thông tin dễ dàng, thuận lợi trong việc phác họa toàn cảnh vấn đề. | Thường hay rơi vào bẫy Fear of Missing Out (FOMO) và gõ lại toàn bộ những gì mình nghe/đọc được, có khi còn gõ lại cả trang sách cũng nên. Nhưng vẫn có thể chỉnh sửa, tinh gọn sau đó được. | Giống sổ giấy, nhưng thay vì phải chọn sổ, mình chỉ cần một thiết bị cho mọi chủ đề. |
Linh hoạt | Cầm nắm dễ, đặc biệt hữu dụng khi cần ứng biến và thu thập thông tin nhanh. | Đi khảo sát hay thu thập thông tin ngoài trời thì máy tính đúng là cực hình, chờ về nhà rồi gõ lại từ note thôi. | Vẫn hơi cồng kềnh nếu phải note mà không có chỗ ngồi hay liên tục di chuyển. Làm rơi thì xót lắm. |
Chi phí | Dễ chịu cho mọi người, sổ đẹp cũng không quá đắt. | Tiết kiệm nhất, vì hầu hết mọi người đều có máy tính rồi. Chọn phần mềm miễn phí hoặc có sẵn trong máy là được. | Khá đắt đỏ. Phải mua máy tính bảng (Hoặc máy tính tích hợp màn cảm ứng) và bút điện tử. Mình dùng iPad lởm 7tr và bút lởm 1tr5 thì cũng tốn thêm 8tr rồi. |
Kinh Nghiệm Bản Thân
Mình thì kết hợp cả 3 hình thức để việc ghi chú hiệu quả nhất có thể
Sổ tay giấy: Khởi đầu cứ dùng note giấy đã, bắt đầu ngay lập tức, mà khá vui. Mình khắc phục vụ bồi đắp kiến thức bằng cách dùng giấy rời cho những kiến thức phức tạp, học cái mới thì cứ viết tờ khác, rồi kẹp lại chung 1 chỗ là được. Phần sổ tay nào chứa thông tin quan trọng thì mình sẽ chụp lại và lưu lại trong máy tính để thông tin tập trung hơn.
Máy tính: Song song với quá trình đó, mình vẫn note trên máy tính, nhưng chủ yếu là ghi chú meeting minutes, dự án, lập trình, hay nói chung là những việc thông tin chồng chéo và phức tạp. Mà về cơ bản thì mọi note sẽ đều đồng bộ với nhau nên máy tính sẽ là nơi tổng hợp và quan sát được mọi thứ.
Viết lên máy tính bảng: Chữ hơi xấu nên nhìn không được nghệ thuật lắm, nhưng cách này với mình khá ổn. Mình hay note kiểu này khi đọc sách, vừa có cái lợi linh hoạt của note giấy, được thoải mái vẽ vời và vừa có cái lợi lưu trữ thông tin của máy tính. Bất cập duy nhất là đôi khi mình phải đọc kha khá rồi mới thấy ý cần note lại, trong lúc đó thì máy tính bảng và bút cứ bật, khá tốn điện và nóng máy. Nhiều lúc cứ tắt và bật liên tục, cũng thấy hơi ẩm ương.
Trích một phần note nho nhỏ của mình để mô tả cho cái sự note vào ipad này. |
Nếu bạn thấy có hình thức ghi chú nào hay ho khác ngoài cũng cái mình nêu thì cũng cho mình xin ý kiến nhe.