Bởi Vì Giáo Dục STEM Là Một Lựa Chọn

Mở bài bằng giải thích nhỏ về STEM, đó là viết tắt của Science (Khoa học) - Technology (Công nghệ) - Engineering (Kỹ thuật) - Math (Toán). Nếu có thêm yếu tố Art (Nghệ thuật) thì tên gọi sẽ được mở rộng thành giáo dục STEAM.

Có người hỏi mình tại sao mình dạy STEM?

Hay một câu hỏi lớn hơn nữa tại sao giáo dục STEM lại quan trọng thế? mấy môn STEM vẫn luôn có ở đó bấy lâu nay và về cơ bản thì xuất phát điểm của giáo dục STEM là ở Mỹ, do chính phủ Mỹ phát động và hỗ trợ để thúc đẩy nguồn nhân lực trong lĩnh vực STEM cho nước Mỹ. Tại sao giáo dục STEM lại quan trọng ở Việt Nam cơ chứ?

Lý do dạy STEM

Bây giờ mình cùng đặt một câu hỏi thú vị cho các giáo viên nhé. Cô dạy toán ơi, tại sao cô dạy toán? Thầy dạy khoa học ơi, tại sao thầy dạy khoa học? Cô dạy công nghệ ơi, tại sao cô dạy công nghệ? Cô dạy kỹ thuật ơi (môn này chỉ có bậc tiểu học hoặc đại học, lạ ghê), tại sao cô dạy kỹ thuật? Mình sẽ đợi các thầy cô trả lời hết rồi mình gộp tất cả các câu trả lời đó lại để ra được một đống lý do để dạy STEM. Hay là thêm cả cô dạy nghệ thuật (mỹ thuật - âm nhạc) nữa, mình sẽ có cả tá lý do để dạy STEAM. Tuy nhiên đây vẫn chỉ là những môn học đơn lẻ, để thực sự truyền tải được cái hay của giáo dục STEM thì phải đi sâu hơn một chút.

Rào cản STEM

Thực sự thì không có giáo viên dạy môn STEM vì STEM không phải là môn học bắt buộc và không có thi, thế thì học làm gì? Về phía mình, việc thi cử chưa bao giờ là đích đến của giáo dục nên đây không phải là rào cản lớn với mình (dù nó có ảnh hưởng vì học để thi vẫn luôn là tâm lý của nhiều học sinh và phụ huynh). Học sinh cần thi gì? Toán và Khoa học (Lý - Hóa - Sinh) thì STEM hoàn toàn là cách dạy - học Toán và Khoa học tuyệt vời, học sinh hiểu sâu hơn, hứng thú hơn, chăm chỉ hơn thì chẳng có lý do gì điểm thi lại thấp hơn cả. Nếu ai vẫn lo học kiểu STEM không thể đi thi thì mình vẫn có giải pháp luôn, cứ học hiểu đi, học sâu đi, khám phá sở thích đi, gần thi thì luyện đề để quen với format và chiến lược làm bài, theo mình thế là đủ.

Không thể dạy Toán

Kỳ diệu ở chỗ, với mình, giáo dục STEM chỉ là công cụ để cho phép mình theo đuổi ước mơ giáo dục mà thôi. Dạy STEM là một lựa chọn, và trong rất nhiều môn học, mình chọn STEM. Thực ra hồi bé mình có ước mơ dạy toán, vì mình rất thích toán và giỏi toán (hồi bé), mình luôn được cô khen trong giờ toán, được đi học đội tuyển thi học sinh giỏi, được quan tâm và cảm thấy mình đang nỗ lực có ích. Đương nhiên là chẳng biết học toán để làm gì ngoài đi thi, nhưng học để làm gì thì lúc ấy cũng chưa quan trọng, vì việc của mình lúc đó chỉ là đi học thôi mà (các cháu bây giờ vẫn vậy). Quan trọng là từ việc học toán mình chia sẻ được nhiều niềm vui trong học tập, mình có những người bạn tốt, mình có mục tiêu để cố gắng, mình luyện tập và rèn luyện, mình vui vẻ và hoạt bát. Đây là lý do mình học toán, chứ không phải để trở thành nhà toán học. Và từ lúc đó, mình tự nhủ sau này sẽ trở thành giáo viên dạy toán, vì toán mang theo niềm vui cho mình chứ không phải giúp mình thay đổi thế giới. Nhưng học hết cấp 2, rồi cấp 3, mình không thấy toán hay nữa, đơn thuần chỉ là môn mình học tốt (mà còn không tốt bằng vật lý cơ), và học cũng chỉ để thi. Cái cách học toán kiểu định nghĩa xong áp dụng làm bài ấy được áp dụng suốt 12 năm đi học phổ thông, có gì mới không? Không. Toán vẫn vậy, quanh đi quẩn lại vẫn là công thức và bài tập, không có gì khơi dậy thêm đam mê của mình với toán cả. Mình tự nhủ nếu sau này đi dạy toán, mình vẫn chỉ dạy như các cô mình ngày xưa thì chắc chán lắm, nên thôi, mình không đi dạy nữa.

Chọn STEM

Sau khi ra trường, mình không thực sự cảm thấy vui vẻ với sự nghiệp kỹ sư năng lượng tái tạo cho lắm, về cơ bản thì lúc đó vẫn còn quá ngây thơ, chưa ý thức được sự tuyệt vời của những thứ mình đang có và thiếu sót lớn nhất là không nhận ra những tư duy cốt lõi giúp mình đương đầu với khó khăn. Vậy nên trong lúc tìm việc kỹ sư, thì mình cũng "chẳng may" nghe qua và tìm hiểu một hình thức giáo dục rất nổi lúc bấy giờ, đó là giáo dục STEM. Mình đã yêu giáo dục STEM ngay từ cái nhìn đầu tiên luôn ý, vì STEM không chỉ mở ra cho mình cơ hội theo đuổi ước mơ dạy học ngày xưa mà còn cho mình thấy cái hay cái đẹp của giáo dục nói chung. Càng nghiên cứu về STEM thì càng thấy thích cái cách họ (nền giáo dục Mỹ) định hướng cho giáo dục STEM, ba điểm mình thích nhất đó là sự liên ngành (interdisciplinary), tư duy thiết kế (design thinking), và những thử thách thực tế (real-world challenge). Như mình đã nói, giáo dục STEM là một công cụ trong cả tá thứ công cụ khác nhau, và qua STEM mình thấy những thứ mình luôn mong muốn thấy trong ước mơ về giáo dục.

Chọn một con đường

Along the way of pursuing passion and happiness, I choose STEM education. Còn bạn, bạn chọn gì?

Post a Comment

© Mầm Xanh. All rights reserved. Developed by Jago Desain