Cây Cầu Giữa Chúng Ta

Cây Cầu

Mình rất thích hình ảnh cây cầu khi nói về sự kết nối vì có vài lần mình xem phóng sự về nhà văn Ocean Vương, anh ấy hay lấy hình ảnh cây cầu biểu tượng cho sự kết nối với độc giả. Với anh ý thì việc sáng tạo ra các tác phẩm là xây các cây cầu với độc giả, để họ và anh có thể qua lại, trao đổi và gắn kết với nhau. Thấy mấy quyển của anh ý cũng rất hot, trong tương lai gần mình chắc chắn sẽ đọc (sau khi hết mấy quyển về startup và minimalism, he he).

Đứt Gãy

Mặc dù đi dạy cũng lâu rồi những vẫn luôn cảm thấy có gì đó đứt gãy trong cái sự nghiệp nhà giáo này của mình.

Về học sinh: Với học sinh tiếp thu bài tốt, năng động và đã yêu thích môn học sẵn thì khỏi phải bàn, nói gì các em cũng thấy hứng thú và luôn đạt mục tiêu bài học mình đề ra. Các em ở tầm trung, học cũng được, không quá thích cũng không chán nản khi học thì cũng vẫn cố cho các em này đạt được mục tiêu bài học. Khó nhất là những em không thích học, chán học, dù có ra rả là học môn này tốt thế nào, hay thế nào thì các em cũng chẳng thích và không chịu tiếp thu, lý do điển hình là vì bị ép học nếu là ở lớp học thêm, và môn mình dạy là môn phụ nếu ở trường. Ơ! Thế cuối cùng cháu nào giỏi vẫn giỏi, cháu nào kém vẫn kém, thì cuối cùng mình dạy có ý nghĩa gì nhỉ? Các cháu có thực sự cần mình không? Hay ai cũng dạy được, chỉ cần đọc trước và hiểu kiến thức cặn kẽ thôi mà.

Về bản thân: Thực ra kinh nghiệm thực dạy của mình cũng còn vô cùng khiêm tốn, 3 năm trong giáo dục nhưng tính ra thì chắc trung bình mỗi tuần mình dạy được 1 buổi học. Ít đến trầm cảm chứ chẳng đùa đâu! Thành ra mỗi lần đứng lớp vẫn thấy có gì đó gượng gạo, nói năng vẫn chưa được tự nhiên, truyền cảm, diễn đạt không lưu loát (loạn ngôn giữa Anh và Việt), nói chung là đủ vấn đề làm trong việc dạy học chưa thực sự thoải mái. Mỗi lần dạy xong là toát mồ hôi vì hao tổn quá nhiều năng lượng, gồng gắng trong từng câu nói và suy nghĩ làm mình hơi mệt mỏi.

Người Thầy

Hôm trước lại tình cờ nghe được podcast phỏng vấn anh Nguyễn Hữu Trí ("Tò mò" khám phá bản thân | TQKS Premium ep.6), cả clip thì hay rồi, nhưng có một đoạn đọng lại trong đầu mình lâu ơi là lâu, đó là sự tò mò của người thầy, tò mò không phán xét, tò mò để hiểu và học hỏi từ chính học sinh của mình. Trước giờ đi dạy, mình vẫn cố gắng chơi hay bắt chuyện với học sinh về những thứ học sinh thích, nhưng trong đầu mình luôn mặc định đó là trò trẻ con, mình cố gắng tỏ ra mình thích để làm thân với học sinh của mình chứ mình không thực sự thích những chủ đề đó lắm. Mình chưa từng tự hỏi, trò chơi hay chủ đề đó có gì hay mà học sinh ấy lại thích nên mình chưa từng thực sự hiểu và kết nối được với học sinh ấy. Mình vẫn luôn biết là cái sự tò mò ấy là vô cùng quan trọng trong học tập, biết được ý nghĩa của giáo dục không phải mình truyền thụ được bao nhiêu kiến thức kỹ năng mà là học sinh khám phá và học hỏi cho chính các em đến cỡ nào, và mọi thứ xuất phát từ sự tò mò ấy. Thế mà mình lại không mấy tò mò về học sinh chỉ chăm chăm tập trung vào kiến thức, kỹ năng, hay tư duy của các em. Mình đã không thực sự lắng nghe và thấu hiểu đủ sâu với từng học sinh của mình.

Nhưng rồi ít nhất thì mình cũng có một người thầy nhí ấy, không quá rõ ràng hay nổi bật, thậm chí mình chưa từng biết mặt vì đây là học sinh mình dạy online và cháu nó không thích bật camera. Lần đầu và cũng là lần cuối cháu bật camera là buổi học đầu tiên và mình nhìn thấy rõ cái bàn học của cháu nó ở cự ly 5cm. Từ những buổi đầu gượng gạo và nghiêm túc đến ngạt thở, thấm thoát cũng đưa cháu nó vượt qua kỳ thi khoa học cuối năm. Những tiết học giờ đây đã dễ thở hơn nhiều, một phần là 2 thầy trò không phải chạy áp lực thi cử, thêm nữa là việc đã quen với cái việc gặp nhau đúng giờ mỗi tuần. Mỗi buổi học là một buổi thảo luận và chia sẻ cởi mở hơn, nhẹ nhàng hơn, và tự nhiên hơn rất nhiều. Cháu nó không chia sẻ nhiều về cuộc sống, chỉ biết là ít khi ra ngoài, ít giao tiếp và cũng không mấy năng động, không thực sự thích thứ gì. Mình khá tò mò không biết cháu nó có vui với cuộc sống ấy không, tại sao cháu chẳng thích hay hứng thú với thứ gì nhỉ. Không phán xét hay cố gắng đặt mình vào vị trí ấy, mình chỉ muốn bạn ý có chút tò mò về thế giới và hơn thế nữa là về bản thân bạn ý. Điều mà mình học được đó chính là hãy là một người đồng hành, mà tốt hơn nữa thì là trở thành một tri kỷ trên con đường phát triển của học sinh của mình.

Don't be a part-time teacher

"if you want to become a teacher, don't do it part-time" (nếu muốn trở thành một giáo viên thực sự, đừng nghĩ nó là một công việc bán thời gian), thầy mình nói vậy đó. Trở thành nơi mà lũ trẻ có thể yên tâm và tin tưởng mỗi khi tìm đến nghe mới thật hấp dẫn làm sao. Thế thì phải tích cực xây những chiếc cầu thôi, mà không chỉ nhiều, mà còn phải to, vững chắc, và lấp lánh như cầu vồng thì bọn nhỏ nó mới thích qua lại được.

Hà Nội, 11/7/2022

Post a Comment

© Mầm Xanh. All rights reserved. Developed by Jago Desain