Chủ đề tủ háo hức quá nên mở bài bằng 2 cuốn sách khai sáng bản thân về chủ nghĩa sống tối giản đó là "Goodbye, things" (Lối sống tối giản của người Nhật) của Fumio Sasaki và "The Lean Startup" (Khởi nghiệp tinh gọn) của Eric Ries. Một cuốn chủ yếu về cuộc sống, một cuốn chủ yếu về khởi nghiệp, nhưng cả 2 đều hướng đến cái gọi là minimalism (sự tối giản).
Định nghĩa của sự tối giản
Tối giản là vừa đủ những thứ cần thiết, không thừa, không thiếu (giải thích kiểu rất tối giản). Thường khi nhìn vào định nghĩa của sự tối giản thì mọi người hay nghĩ đến sự tối giản trong vật chất, như là không mua nhiều đồ đạc hơn mình cần chẳng hạn, nhưng sự tối giản áp dụng vào mọi thứ, kể cả tinh thần.
Nhưng mà tại sao cần tối giản nhỉ?
Vì tối giản thực sự mang lại cho mình hạnh phúc. Để đạt được sự tối giản thì phải biết đủ, phải nhận ra được cái nhu cầu (khá đơn giản) của bản thân, phải nhận ra mình là ai trong thế giới này, mình muốn gì, muốn bao nhiêu, muốn thế nào, và cố gắng để vừa đủ đạt được điều đó. Khi hướng về bản thân, sâu trong mỗi người, thì mình có thể thấy cái mình thực sự cần nó không quá lớn, không quá ngầu, không quá xa vời, hạnh phúc có ở đâu xa, nó ở trong thâm tâm mà thôi. Khi buồn thì trời xanh mây trắng nắng vàng cũng không có hứng mà tận hưởng, khi vui thì có mưa gió bão bùng vẫn lân lê câu hát. Tối giản để tập trung vào làm bản thân hạnh phúc, chứ không phải để làm cho người khác nghĩ mình là người hạnh phúc. Hạnh phúc hay những cảm xúc khác là thứ thuộc về cá nhân mỗi người, dù có thể chia sẻ, nó giống như tổ hợp phím copy & paste, mình copy nó ra rồi đưa cho người khác cảm nhận, chứ cảm xúc vẫn sẽ luôn ở trong tâm mình.
Những điều mình muốn ở hiện tại đã tối giản hơn trước rất nhiều. Có lúc mình cũng mơ ước có nhà biệt thự, có ô tô, được làm tổng giám đốc công ty lớn, làm ông to mà cả làng cả họ phải nể phục. Mẹ đi xem bói cũng giúp mình củng cố niềm tin này khá khá :D thấy bảo số vận tốt, sau này sẽ làm to nhà 3 mặt phố (chắc nhà ở khúc cua nào đó). Nhưng giờ ý hả, mình chưa từng nói cho ai biết lương mình bao nhiêu, điện thoại cũng thuộc loại dùng 10 năm chưa hỏng, quần áo vài bộ đủ mặc. Don't get me wrong!!! Mình vẫn có laptop xịn, giặt giũ quần áo sạch sẽ thơm tho, đi giày thể thao chính hãng và du lịch đều đều. Đó, tối giản là bỏ đi những thứ cầu kì dư thừa để dành thời gian, công sức và tiền bạc vào những thứ tốt nhất cho bản thân.
Tại sao khó tối giản
Sống tối giản khó lắm, vì nhiều con người là loài động vật xã hội, chẳng ai muốn tách biệt khỏi cộng đồng cả. Có trend mà không tham gia thì cứ thấy thiếu thiếu, có tiệc mà không dự được thì thấy tiếc tiếc, nhìn người ta có nhà cao cửa rộng, đi ô tô thì cũng phải có cho bằng được. Xã hội thì luôn tôn vinh sự giàu sang phú quý. Nhà lầu xe hơi, ăn ngon mặc đẹp, quyền cao chức trọng là ước mơ của bao người, được truyền từ đời này qua đời khác như kinh thánh. Con nhà ai mà được như vậy là bố mẹ sướng lắm. Gia đình mình chứ chẳng đâu xa, mình được thành tích gì mà mẹ chẳng đi khoe, bố với chú thì cứ ra rả là mình phải học tiến sĩ, phải làm to để rạng danh dòng họ, hay đi chơi Tết thì các gia đình bắt đầu so lương, con nhà nào đang lương cao nhất họ thì được mẹ nó được nổ, thằng nào lương thấp (chắc mẹ thấy hơi đen vì mình thuộc loại lương thấp :D sorry Mom) thì mẹ ấy phải tém tém lại. Có ai đi khoe hạnh phúc bao giờ đâu, vì nó là cái không thể đong đếm và thuộc về cá nhân mỗi người, khoe ra có khi còn bị ăn chửi cũng nên (nhưng chia sẻ thì được, chia sẻ mới đúng tinh thần của hạnh phúc). Sự tôn vinh của xã hội ấy đã ăn sâu trong tiềm thức của bao thế hệ, đó là điều trẻ con được học từ nhỏ để phấn đấu ý chứ. Kết hợp thêm trào lưu của lối sống tiêu dùng và tiện lợi, mọi người bây giờ đã có thể ngồi tại chỗ và mua đồ online, tiêu tiền trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Tất cả tạo thành một rào cản vô cùng lớn để đại đa số mọi người có thể thay đổi tư duy và phong cách sống.
Tối giản trong cuộc sống
|
Thực ra đoạn bên trên mình lại tập trung viết khá nhiều về khía cạnh cuộc sống (hơn là trong công việc), thêm việc khi nhắc đến minimalism, người ta hay tập trung vào việc mua ít đồ lại để tận hưởng cuộc sống sâu sắc hơn, nên khi nhắc đến minimalism, thứ hiện lên rõ ràng nhất đó chính là lối sống tối giản. Để có một cuộc sống tối giản, mình phải bỏ đi cái sự ganh đua vật chất với người khác, đặc biệt là với bạn bè đồng trang lứa hay với những người cùng trong một cộng đồng (cái này gọi là peer pressure). Người có nhà, có xe, có lương cao ở tuổi mình (đâu đó 27 ha) nhiều vô số kể, mà mình lại chẳng có gì :D để mà buồn chắc phải khóc ròng năm này qua tháng nọ vẫn không vơi. Nhưng rồi thì cũng chẳng sao, không hẳn là không quan tâm, không ngưỡng mộ các bạn mà mình cũng kiểu "bạn tuyệt quá" xong rồi thôi. Nghe như kiểu không thắng được thì thôi, mình không ganh đua với các bạn nữa đâu ý nhỉ. Ha ha! Bỏ qua cái dòm ngó của xã hội, mình trở lại với bản thân, xem xét kỹ lưỡng những gì mình thực sự cần. Cái gì dùng nhiều thì mua còn không thì thuê, cái gì thiết yếu thì mua đồ xịn, cái gì yêu cầu thấp thì mua dởm xíu hoặc tự chế cho tiết kiệm, miễn sao đảm bảo chức năng và an toàn là được. Đồ xịn ở đây là đồ chính hãng, đảm bảo chất lượng thôi, chứ cũng chẳng có tiền mua đồ hàng hiệu.
Ở cấp độ đỉnh cao của đơn giản thì chắc phải lấy ví dụ các nhà sư, ăn chay chỉ đủ dinh dưỡng, quần áo vài bộ đơn sắc. Nhưng mình thì chưa tu luyện đến cảnh giới đó, nhiều thứ vẫn bị dư thừa xa xỉ chút xíu, có thì bừa mà không có thì quá bất tiện.
Tinh gọn trong công việc
Để nói về công việc thì có quá nhiều chủ đề, bao nhiêu sách viết còn chẳng hết, nhưng mình muốn đề cập đến một vài khía cạnh đơn giản có liên quan tới sự tối giản trong công việc mình thấy hay ho. Có lẽ nên bắt đầu với một câu chuyện nho nhỏ đưa mình đến với chủ đề này. Đó là một hôm mình đi phỏng vấn kiêm tâm sự về giáo dục, chị giám đốc chia sẻ về cách mà công ty hoạt động. Công ty không lớn, chỉ có 7-8 giáo viên nhưng đội ngũ này có đến 30-40 buổi học câu lạc bộ mỗi tuần, vừa chuẩn bị giáo án, đồ dùng dụng cụ thí nghiệm, vừa dạy, vừa tham gia training. Vừa đủ giáo viên cho vừa đủ lớp học cho những mục tiêu đủ gần để tạo ra doanh thu ổn định. Mà tài chính là huyết mạch của công ty, một khi tài chính vững vàng, công ty có thể từ từ tiến bước lên những tầng cao mới. Và mình tin công ty của chị sẽ còn tiến xa với triết lý tinh gọn như vậy.
Tinh gọn trong giao tiếp
Hồi mới đi làm, mình hay viết email dài dằng dặc, dù có chia đoạn nhưng người nhận vẫn phải đọc rất kỹ mới hiểu ý. Chị sếp bảo viết ngắn gọn thôi, mỗi ý một gạch đầu dòng đánh số, xong. Người nhận cũng trả lời theo đúng số thứ tự đó, đảm bảo không sót ý nào.
Tinh gọn trong sản phẩm
Nhiều thứ có thể diễn đạt thẳng thắn một cách nhanh chóng nhưng để thể hiện sự chuyên nghiệp, mọi người vô tình tăng thêm sự cồng kềnh cho sản phẩm. Về phía khách hàng, mình không nghĩ khách hàng sẽ quan tâm hay đánh giá cao những thứ rườm rà như vậy. Khách hàng cũng chỉ muốn có rất nhanh thứ mình cần chứ không phải màu mè. Mình viết kỹ những phần khách hàng sẽ dùng nhiều nhất, còn những phần làm màu thì nên cực kỳ ngắn gọn, mà tốt nhất là bỏ đi nếu được. Tuy nhiên sự chuẩn chỉnh và đồng bộ cũng cần phải được lưu ý.
Tinh gọn trong phát triển ý tưởng
Mọi thứ đều bắt nguồn từ ý tưởng, có ý tưởng thôi là chưa đủ, triển khai được ý tưởng quan trọng hơn. Bước triển khai ý tưởng thường khó thực hiện vì mọi người đều thích những ý tưởng lớn với nguồn đầu tư về nhân lực và tài chính lớn hơn so với những gì mình có, rồi tưởng tượng ra những kịch bản đẹp không tì vết. Được truyền cảm hứng từ cuốn "Khởi nghiệp tinh gọn" (The lean startup), mình thấy có thể áp dụng vào việc triển khai mọi ý tưởng, chứ không chỉ là ý tưởng khởi nghiệp. Hay bắt đầu ý tưởng với những bước nhỏ, hoàn thành những sản phẩm đầu tiên thật sớm và mang đi thử nghiệm, lấy một vài feedback để cải thiện tiếp. Vòng lặp "ý tưởng > sản phẩm > cải thiện" cứ xoay vòng trong mọi công việc mình làm. Điểm khác biệt lớn nhất với hồi đi học đó là hồi ấy, làm bài nào xong là xong, kết quả đúng là được, chẳng cần xem xét nhiều góc độ, trình bày lập luận có vấn đề gì không, chẳng bao giờ có ý thức "cải thiện sản phẩm". Nhưng cái bước "cải thiện" ấy thể hiện rõ nét nhất tinh thần của tư duy phát triển (growth mindset), "there's always room for improvement" (luôn có chỗ để cải thiện), chỉ là mình muốn cải thiện đến đâu mà thôi.
Kết bài dài dòng
Nghĩ lại cũng thấy thật hay, tối giản tưởng chừng như dễ mà lại khó vô cùng. Khi mà chẳng phân biệt được đâu là ngọc đâu là bùn, thì người ta thường vơ hết cả đống và hi vọng trong đống bùn ấy có vài viên ngọc. Hay là mình làm khác đi chút, mình bỏ công bỏ sức một chút, chọn ra một vài viên ngọc và nâng niu nó mà thôi.