Bước Tới Thảnh Thơi



Tôi vẫn hay lải nhải rằng tôi không bao giờ tin vào bói toán, thế lực huyền bí, hay thế giới bên kia, ấy thế mà tôi lại tin vào sự siêu thoát và kiếp người. Không phải tôi trơ tráo đâu, mà là vì có những người thực sự đã cảm hoá tôi với niềm tin đấy bằng những lời nói từ con tim. Cứ thế những lời ấy chạm vào tim tôi. 1 người đã qua đời, là thiền sư Thích Nhất Hạnh, 1 người vẫn ra podcast đều, đó là sư Minh Niệm.

Bước Tới Thảnh Thơi - Thầy Thích Nhất Hạnh

Tôi biết về thiền sư Thích Nhất Hạnh khá muộn, thực ra là thực sự chú ý khi báo đài đăng tin ầm ầm về sự ra đi của thầy. Sau đấy tôi mới tìm đọc cuốn thầy viết cho giáo viên "Thầy cô giáo hạnh phúc thay đổi thế giới". Nhưng phải nói là khá khó áp dụng phương pháp thiền ở lớp học, vì trình độ chưa lôi cuốn được học sinh theo phương pháp học kiểu thiền đó, và cũng vì chưa tu đủ để tự mình thực hành thiền một cách sâu sắc. Bẵng đi một thời gian, thì cái duyên nó tới. Vào đợt Tết 2023 vừa rồi, đi phố sách thì tình cờ gặp cuốn "Bước tới thảnh thơi". Nghe tiêu đề sách cũng khá đơn giản, có vẻ hữu ích nếu có thể làm cuộc sống đô thị này có chút an yên. Nhưng cuốn sách giúp người đọc an yên quá, an yên tột độ luôn. Vì cuốn sách này hướng dẫn mình đi tu.

Đó là cái duyên. Đọc sách "how-to" đi tu (trong sách dùng từ Sadi và Sadi nữ để chỉ người xuất gia nam và nữ trẻ) làm tôi vỡ ra thật nhiều điều. Tôi có cái nhìn thấu đáo hơn về người tu hành, hay chính là thầy. Năng lực đặc biệt mà người tu hành có được chính là sự vững chãi và thảnh thơi. Giá trị này được đúc kết qua việc tu tập giới - định - tuệ. Tôi học được rất nhiều điều từ cách sống cũng như cách đi tu của các Sadi. 

Lối sống này thậm chí còn tinh gọn hơn cả lối sống tối giản (minimalism) mà tôi vẫn hay tìm hiểu. Sống tối giản là biết đủ cho bản thân, ăn vừa đủ, đồ đạc vừa đủ, không quá tiện nghi, giảm bớt gánh nặng sở hữu để dành không gian, thời gian, năng lượng cho trải nghiệm và kiến tạo. 

Nhưng đi tu thì đương nhiên phải khắt khe hơn, các sư thầy và sư cô đều phải tuân theo mười giới sadi. Nhìn chung thì các giới này hướng những người đi tu tới một cuộc sống an lạc, giảm thiểu khổ hạnh mà cuộc sống của mình gây ra cho chúng sinh. Ví dụ như không sát sinh, tôn trọng quyền tư hữu, bảo vệ tiết hạnh (của mình và của người), nuôi dưỡng thân tâm, không sử dụng chất hoá học, hay không sống đời sống vật chất. Chính vì họ tuân theo các giới này, họ mới có đầy đủ thời gian và năng lượng cho việc tu tập. Để rồi họ trở nên vững chãi, thảnh thơi, và tràn đầy hạnh phúc, từ đó họ mới luôn có thể mạng lại những điều tốt đẹp cho mọi người. 

Hiểu về việc đi tu và hành động của các thầy tu giúp tôi hiểu hơn các cuốn sách khác của thầy, đặc biệt là cuốn "Thầy cô giáo hạnh phúc thay đổi thế giới". Tôi nghĩ mình cũng nên thực hành một vài giới, như ăn ít thịt lại hay bớt uống rượu (kể cả khi vui) đi, để cơ thể và tâm hồn luôn thảnh thơi và vững chãi. Để rồi có thể truyền cái sự hạnh phúc và an nhiên đó cho học sinh của chính mình.

Buông Xả - Thầy Minh Niệm 


Sự buông xả mà thầy Minh Niệm nói đến là tôi nhớ đến định nghĩa về tình yêu trong cuốn Freedom from the Known của J. Krishnamurti. Cái định nghĩa này khó nhằn ghê, khó đến nỗi tôi chẳng vẽ nổi, chỉ có thể chép lại thôi. Đại ý là: tình yêu ... là bông hoa ngát hương, bạn có thể tận hưởng nó với niềm vui lớn lao hoặc chẳng buồn chú ý đến nó. Tình yêu đến tình cờ nên đừng cố săn đuổi, không ganh ghét, giận dữ, so sánh hay can thiệp và hành vi của người hoặc vật mình yêu. Điều mình có thể làm là dành trọn sự hiện hữu, và cho đi những gì mình có chỉ khi người đó chấp nhận. 

Sự buông xả trong bài pháp thoại của thầy Minh Niệm cũng nhấn mạnh rất rõ ràng về một trong những yếu tố quan trọng cần có trong tình yêu đó là sự tự do. Tình yêu phải thật tự do, không cưỡng ép, không sở hữu, có chút mông lung nhưng cũng thật bao la, nhưng đó nên là cách ta yêu. Bạn có quyền cho tôi, nhưng bạn phải hạnh phúc vì được cho tôi, vì không phải cái gì tôi cũng nhận đâu. Có khi tôi không còn sức mà nhận, tôi cũng quá mệt mỏi vì cứ phải nhận rồi, nặng đến còng lưng rồi. Vậy nên nhiều khi ta cần buông xả, xả bớt gánh nặng tinh thần, cho mình và cho cả những người mình thương yêu. 

True Love

Thi thoảng tôi có nhớ có lời ai đó nói thế này "true love is unconditional love, but it doesn't exist". Vế trước hoàn toàn đúng, vế sau hoàn toàn sai. True love có tồn tại chứ, chỉ là nó chỉ xuất hiện trong lòng mỗi người, còn bên ngoài thì nó bị định kiến và đạo đức chung của xã hội là lu mờ và dày xéo rồi. Tình yêu nên là của bạn, bạn giữ trong tim, bạn hưởng hạnh phúc, chứ chẳng cần chờ người khác công nhận. 

P/s: đừng nhầm tưởng tình yêu chỉ là tìm cảm nam nữ nhe, yêu gia đình, yêu cuộc sống, yêu thiên nhiên, tất cả đều là yêu.


Post a Comment

© Mầm Xanh. All rights reserved. Developed by Jago Desain